Phát triển kinh tế du lịch ở Ba Vì - Hà Nội


Mục tiêu của huyện Ba Vì đã đặt ra là tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có để đầu tư phát triển mạnh dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ yếu của huyện, đồng thời tăng cường mở rộng quy mô các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Ba Vì là huyện có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng được coi là "lá phổi xanh" phía Tây Thủ đô, có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, với các danh lam thắng cảnh như: Ao Vua, Khoang Xanh- Suối Tiên, hồ Tiên Sa, Thiên Sơn- Suối Ngà, hồ Suối Hai, hồ Cẩm Quỳ, nước khoáng nóng Thuần Mỹ…
Là vùng mang đậm nét văn hoá xứ Đoài, nơi phát tích Thánh Tản Viên Sơn, trên địa bàn huyện Ba Vì có 598 di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng, trong đó có trên 44 di tích cấp Quốc gia; 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Khu du lịch Ba Vì - Suối Hai được xác định là địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Đề án phát triển du lịch cộng đồng ở xã Ba Vì, Ba Trại và Vân Hòa đã được nghiên cứu, khảo sát và nghiệm thu để thực hiện.
Đến cuối năm 2015, tổng giá trị sản xuất toàn ngành kinh tế của huyện đạt 20.293 tỷ đồng (đạt 102% kế hoạch). Trong đó, ngành dịch vụ - du lịch chiếm 52%; nông lâm nghiệp 32% . Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng, tăng 20 triệu đồng so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2010 – 2015 đạt 13,5%.
Ngành dịch vụ, du lịch của Ba Vì có tốc độ tăng trưởng khá, đến nay dần trở thành ngành kinh tế chủ yếu của huyện; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 10%. Trong đó du lịch có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010- 2015 đạt 13,1%/năm; năm 2015 đã có 2,5 triệu lượt du khách tới Ba Vì, doanh thu 234 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động.
Du lịch phát triển đã góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hợp lý. Tuy nhiên, ông Hà Xuân Hưng cho biết, do địa bàn rộng, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện còn chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối giữa các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã, khu vực miền núi, dẫn đến khó khăn trong phát triển kinh tế, phát triển du lịch, dịch vụ.
Bên cạnh đó, hầu hết các điểm du lịch nhỏ bé, phân tán; sản phẩm du lịch chưa đa dạng; sự liên kết giữa các cơ sở du lịch trong vùng chưa chặt chẽ; quảng bá du lịch chưa sâu; nguồn lực đầu tư còn thấp; công tác quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn chậm. Hệ thống di tích, lễ hội chưa được khai thác đúng mức dẫn đến sự lãng phí tiềm năng du lịch.

Nhận xét