Một số vấn đề về luật tục và mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật ở Việt Nam


LUẬT TỤC LÀ GÌ?
Theo Từ điển Luật học, luật tục là tập tục, phong tục tập quán của một cộng đồng, được hình thành tự phát và được các thành viên trong cộng đồng chấp nhận, tuân theo trong quan hệ với nhau.
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, luật tục là toàn bộ những nguyên tắc ứng xử không thành văn được hình thành trong xã hội, sau một thời gian dài áp dụng đã trở thành truyền thống và được mọi người tuân thủ.
Như vậy luật tục hình thành từ phong tục, tập quán nhưng nó không còn thuần tuý là phong tục, tập quán. Không phải tất cả phong tục, tập quán đều là luật tục, mà chỉ có một số phong tục, tập quán liên quan trực tiếp tới các mối quan hệ xã hội quan trọng mới trở thành luật tục.
Nếu pháp luật là “ý chí của giai cấp thống trị” được đề lên thành luật, thì luật tục thể hiện ý chí của cộng đồng mà mỗi thành viên đều có nghĩa vụ tuân theo.
Luật tục thể hiện bao quát, phong phú các mối quan hệ xã hội truyền thống, không thể phủ nhận rằng, hiện nay luật tục vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, không những ở Việt Nam mà ở cả những nước phát triển.
MỐI LIÊN HỆ GIỮ LUẬT TỤC VÀ PHÁP LUẬT
Luật tục, ở một góc độ nhất định cũng có vai trò, giá trị quan trọng tương tự như pháp luật là điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng, duy trì và đảm bảo trật tự chung.
Mỗi cá nhân trong xã hội ngoài việc tuân thủ pháp luật của nhà nước, còn chịu sự điều chỉnh của nhiều quy phạm xã hội khác như đạo đức, tín ngưỡng, tôn giáo. Pháp luật của nhà nước không thể giải quyết mọi vấn đề, không thể dùng pháp luật tác động đến mọi quan hệ xã hội. Nắm vững luật tục để thực thi hiệu quả pháp luật là mục tiêu hướng tới trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
a) Phân biệt giữa luật tục và pháp luật:
Luật tục ra đời và tồn tại trước pháp luật, do đó sự khác biệt giữa luật tục với pháp luật là đương nhiên.
Luật tục tồn tại dưới dạng lời nói có vần, điệu, giàu hình ảnh, cụ thể, sinh động, đa phần là truyền miệng, làm cho người ta có thể hình dung và nhận thức bằng trực giác. Điều này khác hẳn với ngôn ngữ pháp luật là ngôn ngữ văn bản ở trình độ khái quát hoá cao, ngắn gọn, chính xác.
Về phạm vi điều chỉnh, luật tục điều chỉnh quan hệ xã hội trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quan hệ cộng đồng, quan hệ gia đình, quan hệ nam nữ, đến nghi lễ, tín ngưỡng trong phạm vi từng cộng đồng buôn, làng, ấp, bản, phum, sóc… còn pháp luật điều chỉnh các mỗi quan hệ xã hội trên phạm vi cả nước.
Mặt khác, luật tục được hình thành do nhu cầu quản lý xã hội cộng đồng, tính chất của hoạt động quản lý còn khá đơn giản. Bằng nhiều cách thức như giáo dục, răn đe, xử phạt…, luật tục đã tác động đến nhận thức và hành vi của các thành viên trong cộng đồng, tạo nên một trật tự cần thiết cho các hoạt động chung như tổ chức sản xuất, bảo vệ buôn làng, bảo vệ lợi ích từng cá nhân, từng dòng họ. Tuy nhiên, luật pháp lại bao gồm một hệ thống quy phạm, chế tài xử lý nghiêm ngặt và một hệ thống thiết chế đảm bảo công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có hiệu quả.
b) Luật tục có vai trò bổ sung, hỗ trợ cho pháp luật:
Vì nhiều lý do khác nhau, không phải bất cứ quy định nào của pháp luật được ban hành cũng đều được nghiêm chỉnh thực hiện và không phải lúc nào pháp luật cũng có hiệu lực như nhau ở các vùng miền khác nhau, với những điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Điều đó lý giải tại sao, nhiều quy định của pháp luật đã ban hành nhưng không có hiệu lực ở một số vùng nhất định. Khi đó, chúng ta thấy rõ vai trò bổ sung, hỗ trợ của luật tục đối với pháp luật.
Qua nghiên cứu hai bộ luật tục Ê Đê (236 điều với 8.000 câu) và luật tục Mơ Nông (215 điều với 7.000 câu) được phổ biến ở vùng Tây Nguyên, chúng ta thấy có nhiều điều lý thú. Ví dụ, luật tục hỗ trợ, bổ sung cho pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng. Trong khi nhiều nơi ở Tây Nguyên đất đai đã bị xói mòn đến mức báo động, thì tại Đăk Lăk, hiện vẫn còn những vùng rừng tươi tốt như ở đồi Chư Lâm, xã Chư Sê, huyện Chư M’ga. Cánh rừng này là dấu ấn đậm nét về sự tôn trọng của dân làng đối với những răn dạy trong luật tục bảo vệ rừng và quy định của già làng về cách “ăn rừng”.Vì rừng có quan hệ mật thiết với cộng đồng dân cư Tây Nguyên, nên từ xa xưa, người dân nơi đây đã rất có ý thức bảo vệ rừng, tôn trọng các quy tắc của cộng đồng về xác lập chủ quyền đối với rừng và đất rừng của từng gia đình, dòng họ. Điều 80 của luật tục Ê Đê quy định rất rõ về các tội đốt, phá rừng.
Luật tục Ê Đê coi đất là mẹ, kẻ xâm lấn rừng và đất rừng của người khác nhất định phải đưa ra xét xử: “Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây K’tơng, cây kdjar” (điều 231).
Hoặc khi nói về việc khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên, hệ sinh thái, luật tục quy định: “Bắt cá con phải chừa cá mẹ/ Bắt ếch con phải chừa ếch mẹ/ Chặt cây to phải chừa cây con/ Đốt tổ ong phải chừa ong chúa”
Như vậy, cùng với luật định, trong một số trường hợp, luật tục có vai trò hết sức quan trọng trong việc bổ sung, hỗ trợ cho pháp luật trên thực tế.
c) Sự lạc hậu và xung đột giữa Luật tục và Luật pháp:
Luật tục ra đời từ rất lâu, trong điều kiện nền kinh tế-xã hội nông nghiệp lạc hậu (du canh, du cư, săn bắt, hái lượm…). Nó dùng để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong từng cộng đồng tộc người nhỏ hẹp (buôn, làng, bản), do đó không thể tránh khỏi sự lạc hậu và đôi khi là sự xung đột với pháp luật của nhà nước.
Ví dụ: Tục nối dây (Tục chuê nuê), khi chồng chết, người vợ phải lấy anh hoặc em chồng đang còn độc thân, và cũng như vậy người đàn ông phải lấy chị vợ hoặc em vợ còn độc thân, khi vợ chết. Đây là một luật tục lạc hậu cần phải nghiêm cấm vì trái với nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ quy định tại Nghị định số 32/2002/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
Các lĩnh vực khác như hình sự, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quan hệ cộng đồng, quan hệ gia đình, quan hệ nam nữ, đến nghi lễ, tín ngưỡng… cũng có những điểm lạc hậu và xung đột tương tự.
VẬN DỤNG LUẬT TỤC TRONG BỐI CẢNH XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN
Hiến pháp 1992 khẳng định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân” với tinh thần thượng tôn pháp luật. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Trong điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay, không thể ngay lập tức loại bỏ luật tục ra khỏi đời sống xã hội, việc tiếp tục vận dụng luật tục là cần thiết, nhưng phải có chọn lọc và có cách thức sử dụng phù hợp. Bởi lẽ, luật tục tồn tại khách quan và ở một góc độ nhất định có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho luật pháp, góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, để phát huy mặt tích cực, giữ gìn, tôn trọng truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp hạn chế tối đa các xung đột, tiêu cực lạc hậu của luật tục, chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng hương ước, quy ước mới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, khắc phục tình trạng “phép vua thua lệ làng”; triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24/1998/CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nội dung việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của buôn làng, phải căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán của địa phương, không được lợi dụng hương ước, quy ước để duy trì các hủ tục, tập quán lạc hậu…




Nhận xét