Kinh nghiệm quốc tế về phát triển giáo dục trong nền kinh tế thị trường

Phát triển giáo dục - đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế vẫn còn là điều mới cả về lý luận và thực tiễn đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nước ta chuyển từ thể chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu như trong hơn 25 năm đổi mới, thể chế - cơ chế kinh tế thị trường đã được định hình trên những nét cơ bản thì trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nhận thức và cơ chế phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế lại chưa được hình thành rõ nét, đồng bộ, phù hợp, hiệu quả; bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Vì vậy, cần thiết phải làm rõ bản chất và cơ chế phát triển giáo dục - đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường, nhất là trước yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nội dung cuốn sách tập trung nghiên cứu và làm rõ bản chất của giáo dục, hoạt động giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; luận giải cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn sự tác động của kinh tế thị trường đối với sự phát triển giáo dục - đào tạo; phân tích kinh nghiệm quốc tế về phát triển giáo dục - đào tạo trong các nền kinh tế thị trường khác nhau (kinh tế thị trường tự do: Mỹ, Úc, Anh; kinh tế thị trường xã hội: Đức, Phần Lan, Thuỵ Điển; kinh tế thị trường của một số nước châu Á: Nhật Bản, Trung Quốc, Xinhgapo…); với số liệu phong phú, đa dạng có được qua khảo sát và nghiên cứu điển hình trên diện rộng tới 120 cơ sở với đủ loại hình trong cả nước, cuốn sách phác hoạ lên bức tranh về hiện trạng phát triển giáo dục - đào tạo và quản lý phát triển giáo dục - đào tạo của Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, cuốn sách đề xuất hệ thống đồng bộ các định hướng nội dung và giải pháp đổi mới và phát triển giáo dục - đào tạo; đổi mới nhận thức - tư duy, cơ chế quản lý nhà nước, cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục,... ở nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Nhận xét