Công nghệ bảo quản hoa quả không cần hóa chất

Link bài viết: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/24598

Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN vừa ứng dụng thành công công nghệ mới áp dụng để khử trùng, bảo quản hoa quả mà không cần sử dụng hoá chất độc hại.

Hóa chất độc hại dùng để ngâm, tẩm trái cây và thực phẩm đang là nỗi lo lắng của mọi gia đình. Mới đây,  phòng 6 Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Môi trường (C49B-Bộ Công an) cùng lực lượng Quản lý thị trường 4A, các ban ngành, địa phương phối hợp bất ngờ kiểm tra 3 căn nhà không số của các chủ hộ gồm: ông Ngô Xuân Thái, bà Ngô Thị Đăng và ông Lê Văn Lâm (thuộc khu phố 7, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM); bắt quả tang việc kinh doanh, sản xuất và chế biến măng ngâm tẩm hóa chất, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Toàn bộ số măng tươi được sản xuất, chế biến theo công thức rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng gồm: măng + hóa chất + nước, ngâm trong vòng 12 giờ, sau đó có thể lưu giữ măng tươi được suốt 2 năm theo lời chủ cơ sở khai nhận. Hàng loạt điều tra của báo chí cũng đã phanh phui tình trạng hoa quả bị tẩm, ướp hóa chất có thể giữ tươi hàng tháng với màu sắc bắt mắt. 
Trên thực tế, do phải nhập hàng hóa với số lượng lớn, thời gian vận chuyển kéo dài nên nhu cầu bảo quản hoa quả và thực phẩm của người kinh doanh là chính đáng. Tuy nhiên, dùng phương pháp nào để không gây hại cho người tiêu dùng thì cần sự quản lý chặt chẽ hơn nữa của pháp luật nói chung và cơ quan hoạt động trong lĩnh vực giám sát Vệ sinh An toàn thực phẩm nói riêng, cùng đó là lương tâm của người bán hàng.
Xuất phát từ thực tế, mới đây trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN vừa ứng dụng thành công công nghệ mới áp dụng để khử trùng, bảo quản hoa quả mà không cần sử dụng hoá chất độc hại. Theo TS. Bùi Nguyên Quốc Trình (Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, Trường ĐH Công nghệ)  đây là công nghệ plasma lạnh hoạt động ở điều kiện khí quyển thông thường (AP plasma) trong việc khử trùng, bảo quản hoa quả mà không cần sử dụng hoá chất độc hại. Nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu về vấn đề an ninh và an toàn lương thực, khi ngày càng có nhiều loại thực phẩm được bảo quản bằng hoá chất độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng, hay những bất cập trong khâu khử trùng và đóng gói thực phẩm xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng khó tính như Mỹ, Nhật, Châu Âu…,
“Nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ cốt lõi tạo ra môi trường AP plasma lạnh, hoạt động ở áp suất khí quyển thông thường để diệt khuẩn, cũng như hạn chế quá trình nhanh chín của hoa quả. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ chế tạo nguồn phát, khống chế nhiệt độ đầu phát plasma (dưới 30oC), đóng gói sản phẩm thế hệ 1 (đặt tên DUHATA-G1), và đặc biệt môi trường plasma sử dụng khí Nitơ, thay vì các khí trơ truyền thống như Argon hay Heli...”- ông Trình cho biết.
Trên thực tế, thiết bị chế tạo là một dạng bảo quản thực phẩm dựa trên cơ chế vật lý gây ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn có hại, có thể thay thế cho bảo quản lạnh của tủ lạnh thông thường. So với các phương pháp bảo quản hóa học, thiết bị sẽ không để lại lượng dư hoá chất không mong muốn trong thực phẩm sau xử lý.
"Hiện trên thế giới ngày càng có nhiều trung tâm nghiên cứu về plasma, cũng như phát triển các ứng dụng của AP plasma. Ngoài ứng dụng trên, AP plasma có tiềm năng ứng dụng trong công nghệ chế tạo các linh kiện điện tử, pin mặt trời thay thế các phương pháp truyền thống; Ứng dụng trong xử lý bề mặt hoặc sơn phủ; Ứng dụng trong các nghiên cứu và điều trị về y sinh…"- Ông Trình cho biết thêm.

Nhận xét