Cambri (Kỷ – Hệ)

Link bài viết: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/18011

Kỷ (Hệ) Cambri là kỷ (hệ) đầu tiên của nguyên đại (giới) Paleozoi, kéo dài khoảng 54 triệu năm, bắt đầu từ cách nay 542 ± 0,3 triệu năm và kết thúc cách nay 488,3 ± 1,7 triệu năm. Hệ Cambri do nhà địa chất người Anh A. Sedgwick xác lập năm 1836, tên hệ gọi của hệ theo địa danh xứ Wales (tiếng Latin là Cambria) ở Tây Nam nước Anh, nơi có mặt cắt của hệ được nghiên cứu đầu tiên. Cambri được chia thành 3 thống, hiện nay việc phân chia các bậc của hệ này chưa có sự thống nhất trên thế giới mà chỉ có sự phân chia ở một số khu vực có trầm tích Cambri phổ biến và được nghiên cứu tốt [Bảng 1]. Ủy ban Địa tầng Quốc tế (2008) cũng chỉ mới có một sơ đồ dự thảo [Bảng 2], trong đó Cambri có 4 thống, nhưng chỉ thống trên cùng và dưới cùng có tên, phần lớn các bậc cũng chưa có tên. Trong số 10 bậc dự kiến, chỉ mới 4 bậc có tên, các bậc khác đều mang số hiệu. Sự phát triển và phong phú động vật biển ở mức độ tiến hóa khá cao là điều đáng chú ý đầu tiên của kỷ Cambri. Sát trước Cambri, động vật còn thưa thớt và nguyên thủy (hệ động vật Ediacara), nhưng ngay từ đầu Cambri sinh vật biển đã hầu như có đủ đại biểu của các ngành động vật không xương sống ở biển. Sự kiện phát triển phong phú, tiến hóa và đa dạng nhanh chóng như vậy của động vật biển ngay trong một thời gian không dài của đầu kỷ Cambri khiến các nhà khoa học ngạc nhiên và đã gọi đây là sự bùng nổ Cambri của sinh giới.


Nhận xét