Đá núi lửa Kainozoi ở Việt Nam

Hoạt động núi lửa Kainozoi ở Việt Nam biểu hiện trong hai giai đoạn chính. Giai đoạn đầu từ giữa Eocen đến Miocen sớm liên quan chủ yếu đến kiến tạo căng dãn sau tạo núi va chạm Himalaya với các biểu hiện: 1- các đá núi lửa lưỡng thức (bimodal) Eocen ở Tây Bắc Bộ (trachyt – leucitophuyr hệ tầng PuTra và bazan kiềm Lũng Pô Hồ); 2- các bazan kiềm và trachyandesit Oligocen–Miocen sớm xen kẽ trong các trầm tích đồng rift của các hệ tầng Trà Cú, Trà Tân và Bạch Hổ ở bồn Cửu Long; 3- Các bazan tách dãn đáy biển và Biển Đông Việt tuổi Oligocen – Miocen sớm. Giai đoạn sau từ giữa Miocen đến nay (sau 16 triệu năm) liên quan đến căng dãn và nung nóng thạch quyển lục địa Đông Nam Á cùng với sự ép trồi các thùy manti từ các mảng đại dương lân cận. Kết quả đã tạo ra các trường bazan tholeit, tholeit olivin và kiềm phân bố tản mác nhiều nơi ở Đông Nam Á, nhưng biểu hiện khá tập trung và đầy đủ nhiều pha nhất ở Tây Nguyên. Ở khu vực trung tâm Biển Đông, sau khi ngừng tách dãn đáy, tiếp tục xuất hiện bazan kiềm tạo thành các núi ngầm dưới biển (seamount). Không kể trường bazan tách dãn đáy Biển Đông Việt, các biểu hiện hoạt động núi lửa Kainozoi trong cả hai giai đoạn sớm và muộn nói trên đều có đặc điểm chung là có tốc độ phun trào và sản lượng nóng chảy rất thấp, các trung tâm núi lửa phân tán và không có biểu hiện có dâng trồi manti sâu, nên được các nhà nghiên cứu xếp vào kiểu “tỉnh magma khuếch tán” (Diffuse Igneous Province), trái ngược với kiểu “tỉnh magma rộng lớn” (Large Igneous Province) vốn phát triển mãnh liệt và tập trung trên điểm nóng của plum manti. Các đá núi lửa Kainozoi ở Việt Nam thu hút sự chú ý rộng rãi không chỉ có các nhà địa chất vì đó là một trong những đối tượng trọng yếu để nghiên cứu kiến tạo Kainozoi, mà còn cả của bao thế hệ cư dân sinh sống trên các vùng phân bố bazan Kainozoi muộn vì những lợi ích to lớn và đa dạng mà chúng đem lại.


Nhận xét